• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đô thị hóa sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững

Đô thị hóa sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững

Chia sẻ tin này:

Vừa qua, Thường trực Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06). Qua đó, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thảo luận các giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06; cũng như định hướng phát triển đô thị, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ trong thời gian tới.
33
TP Cần Thơ đang hướng đến đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tạo nền tảng phát triển đô thị
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Ðề án đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị đã thông qua, thống nhất ban hành Nghị quyết 06. Việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06 thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc ra đời cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Nghị quyết 06 đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, gồm: tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Ðến năm 2025, toàn quốc có khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Ðến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030…
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết. Theo đó, các nội dung gợi ý là về chỉ tiêu đô thị hóa, dân số và đất xây dựng đô thị; tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện tại khoảng 40%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của ASEAN là 46%, xếp hạng 7/10 các nước ASEAN và còn rất nhiều tiềm năng phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước tạo nguồn lực cho phát triển đô thị; các địa phương cần rà soát, xác định tiến độ lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu; không để tình trạng điều chỉnh quy hoạch làm gia tăng áp lực lên hạ tầng, ảnh hưởng đến cung cấp tiện ích đô thị; tính toán nguồn lực để tổ chức thực hiện theo quy hoạch…
Theo ông Lê Quang Hùng, về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị (gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội), đối với hạ tầng kỹ thuật các địa phương cần đánh giá một số nhóm chỉ tiêu về đất dành cho dân đô thị, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải, giao thông đô thị, đất dành cho cây xanh đô thị… nhằm đảm bảo đồng bộ, hài hòa. Về nhà ở đô thị, cần chú trọng hàng đầu về các vùng khó khăn về nhà ở. Các đô thị cũng cần đẩy mạnh sự chủ động, sáng tạo để phát huy kinh tế đô thị, khuyến khích lộ trình chuyển đổi sang hướng kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển công nghệ cao; xây dựng đô thị tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh.
Tập trung các giải pháp phát triển bền vững
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan thành phố nghiên cứu và cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 06, gắn với khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Ðức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, theo định hướng phát triển khu đô thị lớn, siêu đô thị, với đa trung tâm (tài chính, thương mại – dịch vụ, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…). Thành phố quan tâm phát triển cả hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng xã hội; với 11 đề án liên quan đã được triển khai như đề án chống ngập, xử lý chất thải rắn, đề án phát triển hạ tầng giao thông, các dự án về đường sắt đô thị, đề án về hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ, đề án xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhà ở, giảm ô nhiễm môi trường… Thành phố kiến nghị Trung ương quan tâm hình thành các cơ chế đặc thù, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối với TP Hồ Chí Minh, phục vụ phát triển đô thị của vùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Xác định quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài, thời gian qua Thành ủy Cần Thơ đã chủ động ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “Về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”; Chương trình số 27-CTr/TU về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch” phòng, chống ô nhiễm môi trường và ngập nghẹt giai đoạn 2022-2025, nhằm từng bước bố trí, thu hút nguồn lực thực hiện.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển thành phố trở thành đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, TP Cần Thơ đề xuất, kiến nghị Trung ương ưu tiên tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận các dự án hợp tác quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng và đô thị; hợp tác với các đô thị, các tổ chức quốc tế, tham gia hệ thống mạng lưới các đô thị xanh và thông minh ở khu vực và quốc tế. Hỗ trợ Cần Thơ phát triển Trung tâm điều hành đô thị thông minh bảo đảm hạ tầng và phần mềm nền tảng điều hành tiên tiến, hiện đại với cơ chế, chính sách, nguồn lực chất lượng, phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đạt hiệu quả cao. Cần có cơ chế, phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài. Tích hợp đầy đủ, hợp lý nội dung bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch các địa phương phù hợp với quy hoạch chung của vùng ÐBSCL.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc nội dung Nghị quyết 06; đô thị hóa là tất yếu khách quan, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.
Bài, ảnh: ANH KHOA–https://baocantho.com.vn/

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Trả lời

LIÊN HỆ NGAY