• Trang chủ
  • Tin tức
  • Thống nhất phương án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ đoạn đi qua TP Cần Thơ

Thống nhất phương án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ đoạn đi qua TP Cần Thơ

Chia sẻ tin này:

(CT) – Sáng 12-5, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, cùng lãnh đạo một số sở, ngành thành phố làm việc với Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ.

Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc với Ban Quản lý Dự án Đường sắt.

Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc với Ban Quản lý Dự án Đường sắt.

Theo đơn vị tư vấn, dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ dự kiến có chiều dài 174,7km (điểm đầu ga An Bình, tỉnh Bình Dương và điểm cuối ga Cái Răng, TP Cần Thơ), trên tuyến bố trí 13 nhà ga. Đây là tuyến đường sắt cấp I, vận tốc 190 km/giờ, chạy song song giữa tàu hàng và tàu khách… Riêng đoạn qua TP Cần Thơ dài tuyến 6,5km (từ sông Hậu đến ga Cái Răng), hướng tuyến chủ yếu đi trên cao, qua khu dân cư Tân Phú chuyển xuống mặt đất đi đến ga Cái Răng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè khẳng định: Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ rất cần thiết. TP Cần Thơ là đầu mối giao thông của vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; tuyến đường sắt phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách vùng ĐBSCL, kết nối khu vực ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng khác của cả nước. Tuyến đường sắt này cần được đầu tư sớm, trước năm 2030, để phục vụ nhu cầu phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới và tình hình mới. Liên quan đến phương án tuyến, TP Cần Thơ thống nhất với đơn vị tư vấn là đoạn đi qua thành phố là đường sắt trên cao, hướng tuyến trùng với trục đường 1A và đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Về tên gọi nhà ga Cái Răng, thành phố đề nghị đổi thành nhà ga Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải và quận Cái Răng trên tinh thần trao đổi, thống nhất với Ban Quản lý Dự án Đường sắt, đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện. Rà soát, cập nhật lại phương án tuyến đường sắt, đưa vào quy hoạch tích hợp của thành phố. Quy hoạch, bố trí lại quỹ đất khu vực nhà ga phù hợp, quy hoạch các tuyến đường kết nối vào khu vực nhà ga, nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách cho vùng ĐBSCL.

Tin, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ tin này:

Các tin liên quan

Trả lời

LIÊN HỆ NGAY